Câu chuyện dưới đây, tình cờ am00n sưu tầm được, có lẽ không cần nhận xét gì cả, vì tự nhân vật và người kể chuyện đã bình luận rồi. Chuyện chỉ có hai nhân vật chính, xuyên suốt câu chuyện, và một vài nhân vật vắng mặt được đề cập đến.. Có lẽ đây là chuyện của tất cả mọi người, của những ai "l ỡ" ở trong cảnh " người giàu cũng khóc", và cũng cho những ai hay than thân trách phận tại sao mình không thế này, thế khác...Cuộc đời vốn rất đẹp, nhưng cuộc sống thì khắc nghiệt, ai không vững vàng và bản lĩnh để chấp nhận cuộc sống của mình, thì không phải sống mà chỉ là tồn tại.
Hắn khá đẹp trai, hắn luôn xuất hiện với cái đầu gọn gàng sáng loáng được chải chuốt cẩn thận, cẩn thận đến nỗi không một cọng tóc nào dám bất tuân nằm sai chỗ. Quần áo của hắn thì khỏi chê, toàn những bộ đồ đắt tiền mà một đứa trẻ nghèo như tôi không bao giờ được sờ vào. Hắn cũng là một tay đá cầu rất cừ, hắn từng đoạt cả hai giải đồng đội trong một vòng chung kết khuôn khổ của các học sinh cấp hai. Hắn cũng rất kiêu căng, tự cho mình là giỏi, mặc dù thực tế không phải vậy. Nói đúng ra thì hắn chỉ giỏi có hai môn: đá cầu và tin học. Hắn là bạn của tôi cả bốn năm học cấp hai, tuy không chơi thân với nhau nhưng tôi cũng hiểu hắn một phần nào đó, và hắn cũng hiểu từng ấy về tôi.
Nhà hắn giàu, rất giàu nữa là khác, và đó cũng là lý do khiến hắn học giỏi môn tin học, bởi lúc bấy giờ, tin học là một thứ xa xỉ không nằm trong tầm tay với của tôi và của các bạn tôi nữa. Ðó cũng chính là lý do hắn học tệ các môn còn lại, bởi suốt ngày, từ sáng đến chiều, nếu hắn không ngồi bên chiếc máy vi tính đắt tiền thì ắt hẳn là hắn đang ở sân sau đá cầu. Hắn suốt ngày chơi, chơi, và chơi. Tuy nhiên, cũng không thể trách hắn được bởi hắn chỉ là một đứa con nít lớp sáu, một đứa con không có sự kèm cặp theo sát bên của cha mẹ, một đứa con bị bỏ ở nhà với bà vú nuôi trong khi cha mẹ lo đi làm. Buổi sáng, khi vừa mở mắt thì cha mẹ hắn đã kéo nhau đi làm hết, đến tối, hắn cũng chỉ có thể thấy được hình ảnh hai người trong mơ mà thôi. Gia đình không khi nào đoàn tụ đủ để cùng ăn bữa cơm, hoạ hoằn lắm một trong hai người mới tạt ngang về nhà, mà lý do chính không phải để thăm hỏi hắn. Hắn có thể làm tất cả những gì hắn thích, hắn có thể khống chế bà vú nuôi bằng câu nói cửa miệng: "Tui đuổi bà bi giờ". Thật là hỗn láo, nhưng biết làm gì được khi chính bản thân cha mẹ hắn lại không quan tâm gì đến lời nói mất dạy của đứa con.
Rồi năm tháng dần qua, đứa con ngày càng lớn, cha mẹ lại già đi. Và với cái tính mất dạy từ nhỏ, đứa con khi lớn lên sẽ trở thành một thứ không ra gì, một thứ hư hỏng. Nhưng hắn không phải vậy. Càng lớn hắn càng nhận thức được câu nói của mình, hắn đã hiểu đời nhiều hơn và cũng biết cách xử sự hơn với đời. Nói chung là hắn dễ gần hơn nhiều so với lúc nhỏ, tuy vẫn còn cái tính tự kiêu ấy. Cũng đúng thôi, con người ta có quyền kiêu hãnh về gia đình mình mà, có quyền hãnh diện nhiều về cái gia tài lớn của gia đình mình mà!
Càng lớn hắn càng đẹp trai ra, và cùng với những thứ trang sức, những bộ quần áo đắt tiền, hắn dư sức là trung tâm của mọi sự chú ý. Nhiều người mến hắn hơn, đã biết thấy chỗ hay của hắn và cho qua những đức tính xấu kia, ví như tính tự kiêu chẳng hạn. Không hiểu những người đó là do thật lòng hay vì những lý do khác có liên quan đến quyền thế của gia đình hắn nữa, chỉ biết là mọi người đang mở rộng tay đón hắn. Nhưng mọi việc đều có hai mặt cả. Bên cạnh đó cũng có những người ganh ghét với hắn, những lời gièm pha, những ánh mắt giận dữ, những thái độ không hay bắt đầu đổ xuống người hắn. Nhiều người bắt đầu ghét hắn, bắt đầu dựng lên những câu chuyện không căn cứ về hắn. Thời gian cứ thế trôi qua tạo nên những vết hằn sâu trong cái nhìn của mọi người, rồi cũng đến một lúc không ai coi hắn ra gì nữa, hắn sẽ chìm vào quên lãng cũng như ngọn sóng kia vậy, lúc cuồn cuộn cao vút bạc đầu, lúc chun mình trước bãi cát vàng tươi.
Hắn rất khổ tâm, nhiều lần hắn khóc trên vai tôi, khóc nức nở. Sự thật thì hắn có làm gì đâu kia chứ? Hắn đã làm gì để phải chịu cảnh như vầy? Hắn không biết, tôi không biết, và những người khác cũng không biết nốt. Hắn và tôi tuy tồn tại ở hai nửa thế giới trái ngược nhau nhưng không hiểu sao hắn lại tin tưởng tôi quá chừng, và cũng vì thế mà tôi gạt bỏ được những mặc cảm bản thân để làm bạn với hắn. Nói vậy không có nghĩa chúng tôi là bạn thân. Vẫn còn đấy một khoảng cách không thể nào rút ngắn giữa hai thế giới: thế giới của người giàu và thế giới của người nghèo.
Rồi bốn năm trôi qua trong lặng lẽ. Luẩn quẩn đâu đó là tiếng cười hồn nhiên của tuổi thơ, râm ran nơi nao là tiếng khóc của kỷ niệm. Mái trường này, ngôi nhà thân thương với hai trăm lẻ năm khuôn mặt anh em này, hàng cây đã bốn mùa thay lá vàng rực sân trường này đã in sâu vào tiềm thức của mỗi chúng tôi, những đứa con thân thương. Những đứa con cũng phải có lúc rời xa cha mẹ, xa hơi ấm gia đình để tự mình chọn một con đường đi mới mẻ, một con đường không có ai dìu dắt, không ai lo cho mỗi khi ta bị vấp ngã, một con đường đầy cạm bẫy, cạm bẫy cuộc đời.
Chúng tôi, những đứa con của mái trường này, giờ đây đang ngậm ngùi với những kỷ niệm xót xa, những nỗi vui buồn cùng nhau thời hai buổi tới trường. Chúng tôi chia tay nhau trong im lặng, trong lời ca sao nghe mà da diết thế, lời của bài hát cất lên trong lòng mỗi người, bài ca của con tim. Mắt đưa mắt, tay cầm tay, nhưng sao chẳng ai nói một lời. Những giọt lệ kia phải chăng là kết quả của những năm tháng bên nhau, cùng chung mái trường, phải chăng là tiếng nói của kỷ niệm đang bồi hồi lên tiếng. Mắt tôi cũng đã nhoè đi trong sự trống trãi ấy, nhưng tôi cố kiềm nén nỗi lòng mình bởi tôi là một đứa con trai.
Và tôi thấy hắn. Hắn đang mỉm cười với tôi, nụ cười trong tiếng nấc nghẹn ngào, và hắn quay lưng đi giấu những giọt nước mắt đang tràn trên khoé mắt. Sở dĩ tôi biết được là vì bản thân tôi lúc này cũng không còn đủ sức kiềm nén nổi rồi. Ðó là nụ cười cuối cùng hắn dành cho tôi trước khi tôi đi theo con đường đã chọn.
Hai năm sau, tôi quay lại trường cũ, những kỷ niệm dường như đã chết trong tôi, những năm tháng dịu dàng kia đã qua hết rồi. Cảm giác cay cay nơi khoé mắt chỉ còn trong tiềm thức. Cái ngày chia tay thuơ nào chỉ còn là một vết khắc trên trang giấy cuộc đời, một vết son trên tờ giấy trắng. Tôi đang lang thang một mình trên sân trường đầy xác giấy màu hòng tìm lại cảm giác xưa, cảm giác của tuổi thơ.
Và rồi, như cố không tin vào mắt mình, tôi đưa tay dụi, dụi đi cái màu xanh trên mắt. Tôi đã thấy bóng hình quen thuộc ấy, tôi đã thấy hắn, quay về trên chiếc xe đạp cũ rít. Ôi trời, hắn dường như đã thay đổi rất nhiều. Bộ quần áo màu xanh dương hắn mặc, bên trái tay áo là dòng chữ đỏ mà khi thoáng thấy tôi có cảm giác đau lòng: "Trung Tâm Dạy Nghề".
Ðâu rồi một thằng bạn bảnh bao với bộ đồ sáng chói, để rồi đây, trước mặt tôi là hình ảnh một anh công nhân trong bộ đồ lao động với đầu tóc chưa kịp chải. Ðâu rồi cái tính kiêu căng, để rồi tôi trông thấy một anh công nhân rụt rè trước cổng trường. Ðâu rồi cái nụ cười tôi được thấy lần cuối, để rồi tôi giờ đây đối mặt với vẻ khắc khổ cuộc đời. Ôi, đau thay khi cuộc đời trôi lặng lẽ mà chóng mặt vậy! Chỉ hai năm ngắn ngủi, từ một đứa con nhà giàu trở nên một anh công nhân lắp ráp máy vi tính một tháng lãnh vài trăm ngàn. Mà có phải chỉ thế thôi đâu, còn những ganh ghét của những đứa trẻ cùng cấp, sự chia băng phái để giành nhau từng đồng tiền, từng miếng cơm.
Hắn nói rằng, vô công ty là vô trận, nếu mình không tranh thì mình chết, mà tranh quá mức thì cũng chết, hễ nó thấy ghét mình là mình chết. Không một ngày nào là không phải sợ hãi, sợ bị mất việc, sợ bị giành phần, và nhất là sợ chết. Hắn nói, phải đấu tranh sinh tồn để kiếm miếng cơm sống qua ngày bởi không có luật pháp ở đây, ai mạnh sẽ được phần nhiều.
Tôi nghe hắn nói mà cảm thấy chạnh lòng. Thời gian trôi, cuộc đời cứ đổi thay mãi, rồi ai biết chuyện gì xảy ra cho mình kia chứ. Tôi hỏi về gia đình hắn, hắn bảo rằng ổng bả sạt nghiệp trong một phi vụ lớn, ổng bả cứ đòi ly dị hoài. Nhất là trong những dịp lễ tết này thì chuyện đó càng xảy ra thường xuyên hơn nữa, tất cả chỉ vì tiền, ổng trách bả không làm ra tiền để đem biếu xén này nọ, rồi bả lại trách ổng không lo chăm sóc con cái, rồi hai người đổ tội cho nhau, hắn luôn là người đứng ở giữa. Cũng may là hắn còn kiếm được tiền riêng để sống, chứ nếu không thì chẳng biết thế nào nữa.
Hắn nói mà không hề khóc, hắn nói trong sự cứng rắn bất thường.